Bài viết của bạn Thành Nguyễn

Mình sẽ làm rõ vai trọng quan trọng của môi trường Đại học (viết tắt: “ĐH”) khi theo học ngành CNTT.

1. Phương pháp tiếp cận bottom-up và top-down:

Bottom-up là tiếp cận từ dưới lên trên, từ cơ sở lý thuyết đến thực hành. Top-down thì ngược lại.

Tiếp cận cntt

Một người bạn của mình chia sẻ: “Ngày xưa tao đi bộ đội khổ quá, phải làm đủ thứ, áp lực cao. Bây giờ xuất ngũ rồi, đi làm cũng nhiều khó khăn nhưng thích ứng tốt, vì đã được mài giũa ý chí và quen với cực khổ trong quân ngũ”.

Một cái hay khi theo hướng bottom-up đó là bạn sẽ học sâu, học kỹ nền tảng lý thuyết bên dưới, vì vậy sẽ hàn lâm hơn, cực khổ hơn. Sau này đi lên cao với các công nghệ và thực hành thì thấy nhẹ nhàng, code ít lỗi nhảm nhí hơn. Học ĐH chính là theo hướng bottom-up.

Theo chiều ngược lại, với top-down, người đã quen với sung sướng (học nội dung dễ, chủ yếu thực hành) khi muốn đào sâu, đụng lý thuyết nền tảng thì sẽ khó nuốt đấy. Điều này thường xảy ra khi bạn học ở trung tâm hoặc “tự bơi một mình”.

Bù lại, hướng top-down giúp bạn có trải nghiệm nhiều, có góc nhìn rộng hơn, từ đó thắp lên niềm đam mê bùng cháy ;)

2. Cơ sở nền tảng:

Có một sự khác biệt rất lớn giữa nhóm trường ĐH top trên và những trường top dưới: ĐH top trên đào tạo nền tảng cực kỳ tốt (và lý thuyết sẽ nhiều hơn đấy). Giống như họ xây cho bạn một cái móng nhà siêu to khổng lồ, với cái móng này thì bạn có cơ hội xây nhà 20 tầng chẳng hạn.

Dĩ nhiên, khi đi làm thì bạn chỉ vận dụng một phần nhỏ của cái móng nhà thôi, phần còn lại thì bỏ đi hoang phí. Điều thú vị là, khi muốn “xây nhà cao thêm”, hoặc chẳng may bạn muốn ngả sang một lĩnh vực nào đó trong ngành CNTT? Với cái móng nhà to đùng kia, dễ dàng xây tiếp sự nghiệp của mình. Hy vọng qua giải thích trên, mình nghĩ là bạn sẽ hiểu hơn về thực trạng “nhiều người than thở học ĐH thì lý thuyết hàn lâm, học nhiều nhưng không ứng dụng được gì”.

3. Cơ hội:

Trường ĐH cho bạn môi trường nhiều người giỏi để cùng nhau tiến bộ, những người thầy cô chuyên môn cao, cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp, cho bạn một cái móng nhà siêu to khổng lồ và quan trọng nhất: KHAI MINH (tự học một mình thì không thể được khai sáng).

Đặc biệt theo cảm nhận của mình, các doanh nghiệp lớn sẽ có thiện cảm hơn với những bạn học trường ĐH top trên. Lý do: tư duy tốt, nền tảng tốt, có khả năng tự học cao, năng lực được chứng minh trong thời gian dài (4-5 năm học).

Luận điểm phụ: Ngành CNTT là đặc thù:

Đi khám bệnh, gặp một bác sĩ tự giới thiệu “Em vừa tốt nghiệp lớp 12, sau 3 tháng đi học ở trung tâm thì em đã trở thành bác sĩ đa khoa. Anh là bệnh nhân đầu tiên của em đó”. Nghe xong thì chạy mất dép chứ khám bệnh gì nữa. IT và bác sĩ là hai ngành nghề rất đặc thù về trình độ chuyên môn cao. Mà muốn chuyên môn cao thì phải học lâu dài qua nhiều năm và trường ĐH chính là môi trường lý tưởng.

Tổng kết:

Qua bài viết này, mình có xu hướng nâng tầm quan trọng của Đại học hơn trong bối cảnh xuất hiện một số chia sẻ “Học CNTT thì học trường nào cũng vậy thôi, không học ĐH cũng được, quan trọng là tự học”, “Dân tay ngang có việc làm CNTT ngon sau 3 tháng học ở trung tâm ABC nào đó”.

Chốt lại, quay về với câu hỏi gốc “Không học ĐH thì theo CNTT được không”. Câu trả lời là: CÓ THỂ nhưng sẽ cực kỳ khó khăn, bạn sẽ phải nỗ lực 200%. Lời khuyên chân thành là bạn kiếm sư phụ dẫn dắt để được “khai sáng”. ĐH không phải là con đường duy nhất giúp bạn thành công nhưng đó là con đường bài bản và an toàn đấy.