Lập trình không code
No-code hay lập trình kiểu kéo thả bằng các công cụ có sẵn mà không cần biết lập trình. Tôi biết, các lập trình viên rất khinh thường những công cụ như vậy. Nhưng cách đây vài năm khi đưa no-code vào danh sách những phương án giải quyết vấn đề. Tôi đã học được rất nhiều.
Suy cho cùng, người dùng méo quan tâm phần mềm được tạo ra bởi cái gì, bằng ngôn ngữ nào đâu. Miễn là giải quyết được vấn đề của họ là được. Bạn cặm cụi mấy ngày code một cái web tặng cô gái bạn thích, và rồi cổ đi yêu một thằng khác chỉ mất 1 tiếng dùng wordpress kéo thả là rất bình thường.
“The future of coding is no coding at all” - Chris Wanstrath, CEO của GitHub
Nhanh chóng validate các ý tưởng:
Bạn có một ý tưởng (mà theo bạn là) tuyệt vời, bạn cần phải nhanh chóng làm được phần mềm để test xem người dùng có thực sự cần nó hay không? Bao nhiều người sẽ chấp nhận mua hay sử dụng phần mềm của bạn. Bạn sẽ viết code, nó ngốn của bạn rất nhiều thời gian và tiền bạc, vài tháng, có khi cả năm. Đến khi ra mắt thì mới nhận ra người dùng không có nhu cầu sử dụng.
Với no-code, bạn sẽ nhanh chóng có được sản phẩm với chi phí thấp (chi phí bao gồm thời gian và tiền) để kiểm tra xem sản phẩm của bạn có được hưởng ứng hay không. Khi đã biết thị trường rộng, thì ta code sau cũng chưa muộn. Xét về được/mất thì cũng mất ít hơn so với code.
Tư duy sản phẩm:
Làm no-code, kéo thả thì vui hơn nhiều so với viết code, và nói thẳng ra nhiều cái nó làm còn ngon hơn cả tự mình viết code. Các nền tảng no-code bây giờ cũng khá là bá đạo.
Lúc này, tư duy của chúng ta sẽ dành hoàn toàn cho sản phẩm, suy nghĩ làm thế nào để sản phẩm dễ sử dụng. Tâm trí hướng hoàn toàn đến người dùng thay vì ngồi code (và đưa thêm bug vào code). Đây cũng là một cái mà dev cũng nên học. Trước đây tôi cứ nghĩ rằng phải code thì mới là “pro”, sau này tôi thấy rằng làm được sản phẩm tốt cho khách hàng mới là pro.
Tôi là lập trình viên, không thích dùng những thứ “có sẵn”
Tôi đồng ý. Nhưng bạn thử nghĩ mà xem, khi chúng ta code, chúng ta cũng có tạo ra cái gì “từ đầu” đâu? Bạn code Android, bạn cũng dùng nút bấm, list view… có sẵn của Android. Bạn code Laravel, bạn cũng gõ lệnh để nó tạo ra model, controller… bạn cũng có tạo ra MySql đâu? Bạn dùng tool để tạo ra phần mềm, IDE là một tool, thế tôi kéo thả cũng là tool thôi.
Hay đấy, thế thì không cần lập trình viên nữa à?
Tôi không nói vậy, no-code có thể được xem xét là một trong danh sách phương án giải quyết vấn đề của một dev. Không phải cái gì cũng làm được bằng no-code, nó có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Có bà chị gái chỉ cần có một cái landing page để khai trương quán bún bò, thì dùng vài website tạo landing page là đủ, còn lại thời gian mà trang trí quán cho đẹp.
Bạn muốn làm một cái blog để viết, thì thay vì code một cái blog, dùng wordpress rồi tập trung vào mà viết, chứ code rồi lấy đâu thời gian ra mà viết nữa? Ước mơ trở thành blogger nổi tiếng của bạn sẽ tan tành.
Cái quan trọng vẫn là hiệu quả, và cũng phải cố gắng một chút để thay đổi tư duy. Cũng khó phết đấy nhé, đang biết code mà giờ kéo thả ban đầu cũng không dễ chịu chút nào. Bạn sẽ có thể bị gọi là lập trình viên “gà”, “noob” hoặc cái gì đại loại thế.
Có giàu được không? Tôi không nắm giữ được hệ thống.
Hơi buồn là, theo những gì tôi thấy những người dùng no-code xung quanh tôi, giàu mạnh ấy chứ, có khi còn giàu hơn đi code nhiều.
Về việc không nắm giữ được hệ thống, không cầm được code, sau này muốn scale hay gì thì cũng khó, đây là một điểm yếu. Và còn nhiều điểm yếu nữa, nhưng mình không viết ở bài này. Tất nhiên là lúc đó có nhiều user rồi bạn có tiền rồi thì cũng ko đáng ngại lắm. Cũng có những nền tảng cho phép self-host, tức là kéo thả rồi nó đưa code cho mình dùng.
Khi chúng ta áp dụng no-code vào các dự án của mình, cần phải thật cân nhắc giữa mặt lợi và hại. Cũng còn tuỳ nhiều thứ, nhưng chắc chắn nó cũng là một phương án không tệ nếu thực sự phù hợp.