Thiết kế UX tuyệt đỉnh bằng kiến thức về game
Khi đó, phần mềm của chúng tôi đã có một lượng user khá lớn, chúng tôi muốn nâng cấp giao diện mới đẹp và tiện dụng hơn cho họ. Khi tôi nhận được bản thiết kế, tôi thấy nó rất tuyệt, đẹp, bóng bẩy và tiện dụng. Nhưng chúng tôi đã quyết định không nâng cấp giao diện đó. Vì sao thì câu trả lời ở cuối bài.
Gamification (game hoá) là gì?
Gamification (game hoá) là nắm vững và vận dụng các yếu tố tác động lên tâm lý con người trong thiết kế game để mang đến trải nghiệm trên app, web… thú vị và cuốn hút hơn.
Con người luôn thích chơi game, ý tôi không phải là video game (trò chơi điện tử) mà là game nói chung. Trẻ con đến người lớn ai cũng thích chơi game cả. Có lẽ hồi nhỏ bạn đã từng chơi bắn bi hay đánh bài, đó là game. Với người lớn, bóng đá, l.ô đ.ề hay cờ tướng cũng đều là game. Game có những quy tắc và mục tiêu rõ ràng, bắt buộc và thúc đẩy người chơi phải đưa ra lựa chọn, hành động để nhận được phần thưởng (ghi bàn, trúng đ.ề, ăn được tướng đối phương…)
Nếu trong game Contra, bạn cố gắng nhảy lên để ăn được đạn S, loại đạn bắn một phát được 6 viên toả ra xung quanh, thì ứng dụng facebook cũng hoạt động tương tự. “Nhảy lên” là hành động, phần thưởng là “Đạn S”. Trên facebook, “đăng status” là hành động, phần thưởng là like và comment từ bạn bè, biểu tượng thông báo màu đỏ, thoả mãn nhu cầu thể hiện bản thân. Bạn phải cố gắng đăng nội dung hấp dẫn hơn để được phần thưởng lớn hơn, lý do các chị em đăng một cái ảnh mà qua 7749 cái app là như vậy.
Ứng dụng game hoá nổi tiếng có lẽ ai cũng biết là app học tiếng Anh Duolingo, thông qua hình tượng chú chim xanh khó tính, app được thiết kế thành các level như các màn chơi trong game, khi vượt qua một thử thách, người chơi sẽ nhận thưởng là những ngôi sao và danh hiệu. Ngược lại nếu lười học, chú chim xanh sẽ nhắc nhở rất khó chịu nhưng cũng rất vui.
Ứng dụng Zombies Run thúc đẩy người dùng phải đeo tai nghe và chạy khỏi các con zombie ảo, nếu chạy chậm, một con zombie có thể vồ được bạn, bạn thua, nâng cao tinh thần rèn luyện thể dục thể thao mà không cần phải hô hào gì cả, người dùng chấp nhận điều đó, vì nó vui.
Game hoá trong cuộc sống
Thật ra game hoá đang được ứng dụng ở rất nhiều nơi, minigame trên facebook, vòng quay may mắn, event viết bài, chia sẻ câu chuyện… Chúng ta cũng có thể tự game hoá cuộc sống của mình. Ví dụ: nếu ngồi học bài được 1h thì sẽ được dán hình một ngôi sao lên tường, 10 ngôi sao thì sẽ cho bản thân đi xem phim 1 bữa chẳng hạn.
Game hoá được mấy ông bợm nhậu áp dụng khá triệt để, quay đầu gà là một ví dụ, giống như quay xổ số, cái đầu gà chỉ về ai thì người đó phải uống một cốc. Một nhóm bạn thống nhất rằng ông nào đến muộn hoặc vợ gọi thì phải uống 2 cốc. Đó là game, và ai cũng vui vẻ chấp nhận luật chơi.
Game hoá trong thiết kế UX:
Tất nhiên bạn không cần phải viết ứng dụng, website của mình thành một cái game, bạn chỉ cần vận dụng các quy tắc trong thiết kế game để làm cho user có trải nghiệm thú vị hơn mà thôi. Trong giới hạn bài viết này, tôi xin giới thiệu với các bạn những quy tắc cơ bản và cách vận dụng chúng.
1. Game có quy tắc
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao Tiktok chỉ cho đăng video ngắn, không được quá dài, hay từ ban đầu Twitter chỉ được đăng giới hạn 280 ký tự hay không? Trong ứng dụng Duolingo, bạn sẽ không được mở khoá các bài học khó hơn nếu chưa làm xong bài dễ. Trên youtube, bạn sẽ không thể phát trực tiếp nếu có dưới 1000 người đăng ký. Đó là các luật lệ của game, nó làm cho người dùng cố gắng để đạt được nó, mà cái gì phải cố gắng để đạt được nó thì mới có giá trị. Tôi chỉ hỏi bạn giữa một em gái mà mình mời mãi ẻm mới chịu đi cafe với mình, với một em chủ động mời mình đi cafe, thì bạn thích em nào hơn?
2. Mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được
Người dùng phải biết sau khi họ điền form thì họ sẽ nhận được cái gì, cho họ cái mục đích để làm việc đó. Họ phải biết là mục tiêu đó có thể đạt được, bạn sẽ không cố gắng chơi Contra nếu biết con boss cuối màn chơi có lượng máu vô hạn, không thể bị đánh bại. Một mini game chỉ có 10 giải thưởng mà bạn biết có cả chục nghìn người tham gia thì bạn sẽ không tham gia nữa.
Tuy nhiên, việc đạt được thứ gì đó quá dễ dàng lại mang đến hiệu ứng ngược, người dùng sẽ cảm thấy phần thưởng không còn giá trị. Vì sao các nhà thiết kế game không làm ra một loại kiếm mà chỉ cần ch.ém 1 phát con boss nào cũng ngỏm? Trên app, web cũng vậy, cần thiết kế làm sao để người dùng phải bỏ công sức ra một chút, và nhận được phần thưởng tương ứng với công sức bỏ ra.
Phần thưởng cũng có vài loại: Phần thưởng nhận được từ hành động cố định, hành động ngẫu nhiên, thời gian cố định, thời gian ngẫu nhiên. Mấy cái app bán hàng online cứ bắt lên chăm sóc cây để nhận xu là thế. Các bạn có thể đọc thêm bằng cách google từ khoá: thiết kế level, phần thưởng trong game để biết các mánh khoé.
3. Hành động và nhận phản hồi
Trong game, bạn đi oánh một con boss và sau đó nhận được phần thưởng, bạn cường hoá một trang bị và sau đó biết ngay tạch hay không. Bạn hành động và nhận được kết quả, bạn nắm rõ oánh con boss mạnh hơn thì sẽ được nhiều vàng hơn. Bạn uống một lọ mana và thấy thanh mana màu xanh tăng ngay lập tức. Chơi game là thực hiện một chuỗi hành động, nhận phản hồi và biết mình đang tiến bộ.
Trên Tiktok, bạn liên tục vuốt lên nhằm hi vọng sẽ có một video thú vị ở phía dưới, hành động của bạn nhận được phản hồi gần như lập tức. Trên ứng dụng, khi bạn điền email vào, hệ thống sẽ nói ngay email đó có hợp lệ hay không, thanh progress bar cho biết bạn đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm.
4. Điểm, danh hiệu, leaderboard…
Đó là các yếu tố đại diện cho sự tiến bộ của người dùng, cho biết họ đang ở trình độ nào. Khi thực hiện một hành động, người dùng nhận được điểm, điểm nó chả là cái gì cả, có thể quy đổi ra thứ khác hoặc không, nhưng người ta thích. Danh hiệu (badges) được dùng khá nhiều, đơn giản như cái fan cứng hay người đóng góp nhiều nhất trên group facebook ấy. Leaderboad (bảng xếp hạng) thúc đẩy người dùng bằng cách so sánh họ với người dùng khác, tôi rất thích leaderboard trên cái app trên đồng hồ thông minh, đi bộ đua với anh em xung quanh cũng khá thú vị.
5. Nhiều nữa:
Vận dụng tư duy thiết kế game vào thiết kế UX là một mảng nhỏ khá thú vị, nó đã làm tôi tốn một thời gian dài tìm hiểu về thiết kế game. Cảm nhận của user trên app, web khá tương đồng với cảm nhận của gamer. Quay trở lại câu hỏi ở đầu bài viết: Vì sao chúng tôi đã quyết định không nâng cấp giao diện mới đẹp, bóng bẩy và tiện dụng hơn? Chúng tôi đã làm như thế nào?
Bạn cứ tưởng tượng bạn đang chơi một game, bạn đã quen với từng cái cây ngọn cỏ trong game đó rồi, NPC ở đâu, con quái ở đâu, thanh máu ở đâu, thanh mana ở đâu bạn biết rất rõ. Rồi một ngày nọ bạn vào game, bạn hoàn toàn lạ lẫm, đường xá khác, cây cối khác… Đó chính xác là cảm nhận của user khi đột ngột thay đổi giao diện, mọi thứ đều phải học lại. Vì vậy chúng tôi đã thay đổi từng thứ nhỏ một để user quen dần, sau 8 tháng, chúng tôi đã sửa dần xong sang giao diện mới. Dưới góc nhìn của một gamer.