Lập trình viên có bị AI thay thế? Góc nhìn từ một lập trình viên
Đây là bài viết guest post của bạn Thành Nguyễn
Góc nhìn của mình về AI trong phạm vi CNTT
Góc độ tech
Mình thấy AI giỏi về sáng tạo phi logic (gen văn bản, gen hình, video… nhưng vẫn bị thiếu cái “hồn”) và còn quá kém về sáng tạo mang tính logic. Lập trình là sự sáng tạo mạnh mẽ về logic nên vẫn còn quá xa để AI làm được công việc thật sự của dev. AI như một đứa trẻ, tư duy hạn chế nhưng bù lại có khả năng “ghi nhớ” mọi kiến thức trên thế giới, đôi khi sự overfit của model cũng đủ khiến người non-tech kinh ngạc.
Vì AI còn kém về tư duy nên nó chưa đủ trình độ để thật sự hiểu rõ được mã nguồn đã có. Ngày đầu tiên bạn nhờ AI gen code tính năng A, sản phẩm chạy tốt. 2 tháng sau muốn bổ sung tính năng B vào. Bạn sẽ nhờ AI gen lại toàn bộ code có tính năng A và B (non-compatible, tương đương với đập toàn bộ code base 2 tháng trước), hay là sẽ nhờ nó học code tính năng A và BỔ SUNG thêm code tính năng B? Trong một hệ thống lớn, tại ấy có hàng tỷ tính năng, chúng ta thường phát triển thêm vài tính năng và TÍCH HỢP vào hệ thống ấy sao cho ít thay đổi mã nguồn đã có. Hầu hết project không phải bắt đầu từ số 0 và dev thường dành nhiều thời gian để maintain, fix, tích hợp, không phải để thực hiện những task dễ dàng.
AI được train từ các dữ liệu phổ thông và không được train từ mã nguồn nội bộ trong công ty, do đó câu trả lời của nó cũng mang tính chung chung và không bám sát vào ngữ cảnh code base hiện tại. Bạn có dám giao toàn bộ mã nguồn công ty cho AI học? Policy ở đâu, safety thế nào?
Kể cả con người làm việc trực tiếp với con người mà còn sai lên sai xuống, không hiểu nhau thì AI thay thế dev (nhất là dev level cao) là chuyện hoang tưởng.
Góc độ kinh tế
AI thực hiện được khá ổn những công việc dễ dàng, mang tính máy móc lặp đi lặp lại, vốn hay xuất hiện ở tầng thấp trong cái Social Stratification Pyramid. Những công việc này lại chiếm phần đông dân số. Sẽ là sự đe dọa không nhỏ đến những bạn sinh viên mới ra trường và lao động phổ thông. Dự đoán sự phân hóa giàu nghèo sẽ càng gia tăng. Mình đang lo lắng số lượng job tạo ra mới từ AI sẽ ít hơn số lượng job mà AI lấy mất. (Một cách hài hước) Khi nhiều nhân lực junior bị thay thế bởi AI thì lúc ấy ít còn cơ hội để từ junior thành senior và… reset cuộc chơi.
Một số loại job mới được tạo ra, chuyên gia ngày càng nâng cao giá trị, tận dụng được thì tốt.
Chúng ta đã thấy những cái trend như IoT, Virtual Reality, Blockchain, AI… Tầng lớp tinh hoa vẽ ra trend và chúng ta chạy theo, đôi khi xem nó như một công cụ kiếm tiền. Tới trend nào thì chạy theo nó để có cơ hội “bào tiền” được nhiều hơn. Một sản phẩm phải gắn chữ “AI”, “blockchain” thì mới xin được đầu tư nhiều tiền. Khi một trend đi xuống sẽ lại có trend khác đi lên, lại tiếp tục chạy theo trend mới và “bào tiền” tiếp.
Tuy lo lắng là thế nhưng kinh tế mà, luôn có “bàn tay kỳ diệu / invisible hand” (được đề cập bởi nhà kinh tế học Adam Smith) để giúp nền kinh tế tự điều phối theo cách tốt nhất.
Kết bài
Xu thế của thế giới giờ là ngắn, nhanh, async, đa năng. (Chia sẻ chiến lược của mình) Đa dạng hóa năng lực cốt lõi và có liên quan AI. Ví dụ làm backend thì đa dạng hóa bằng cách lấn sang DevOps, hay là backend C++ rồi giờ backend Go. Hay là deploy và tích hợp AI vào backend, mô hình AI giờ nhẹ chạy được trên local rồi.
Mọi người đang quá hype về AI. View của mình thì nó tiếp tục phát triển và dần đi vào đời sống hàng ngày và AI sẽ quay về với giá trị thực. Bài viết của mình đơn giản là mang lại chút tiêu cực để dung hòa cơn sốt mang tên AI.