Chủ đề này mình đã định viết từ rất lâu rồi, cảm thấy nó hơi duy tâm nên chưa dám viết.

Ngành lập trình được biết đến như một ngành tràn đầy cảm hứng, vậy nên người ta có suy nghĩ sai lầm rằng “cảm hứng” có nghĩa là “Thích thì làm không thích thì thôi”.

Bản thân mình cực kỳ tôn trọng những lập trình viên vẫn giữ được phong độ code khi ở giai đoạn cuối của dự án. Đường dài mới biết ngựa hay, một dự án phải trải qua cả những lúc khó khăn, không hề “có cảm hứng” chút nào.

Hoặc đơn giản có bao giờ bạn thấy rằng có lúc bạn hào hứng ngồi code, mà lại có lúc chẳng muốn code một tí nào cả không?

năng lượng lập trình

Đó là một vấn đề liên quan đến “năng lượng”.

Có thể hiểu năng lượng là thứ nằm sâu bên trong, là tất cả những gì tạo nên “khả năng code” của bạn, trong đó có các yếu tố sức khỏe, đam mê, tiền bạc, gia đình… Khi một trong các yếu tố đó yếu đi, bạn sẽ không muốn code nữa.

Chỉ có bạn mới cảm nhận được mức năng lượng hiện tại. Hãy thử nhắm mắt tưởng tượng bạn là một viên pin điện thoại, viên pin đó còn bao nhiêu phần trăm?

Giữ năng lượng, bí quyết để trở thành lập trình viên thành công.

Không phải chỉ có lập trình, tất cả những người thành công mà mình biết luôn biết cách sử dụng hợp lý nguồn năng lượng bên trong họ.

Một lập trình viên giỏi luôn biết phân bổ nguồn năng lượng, đến cuối dự án vẫn đủ sức để code, bình tĩnh để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Mỗi người đều có cảm xúc, nhưng tôi lại thấy có những sinh viên làm đồ án, để đến ngày cuối cùng mới làm để nộp, thức quá khuya vào 1 đêm, để rồi ngày hôm sau không muốn lập trình nữa…

Đó là sử dụng năng lượng một cách quá mức. Mỗi người như một cái thùng chứa nước vậy, đừng đổ hết tất cả nước trong thùng đi, hãy đổ ra từ từ, và liên tục bổ sung thêm.

Để giữ năng lượng, bạn cần:

1. Luôn nhớ rằng bạn đang giữ năng lượng, dự án còn dài, bạn phải vượt qua chặng đường phía trước, không phải chỉ ngày hôm nay.

2. Sử dụng có kế hoạch:

Phân bổ năng lượng, cảm xúc của bạn ra, nếu phải làm đồ án, hãy bắt đầu từ sớm, làm một cách nghiêm túc nhưng không để mức năng lượng xuống quá thấp gây chán nản.

3. Bổ sung thêm năng lượng:

Có thể nhận thêm cảm hứng từ chính bản thân, hay từ những người xung quanh như đồng nghiệp, người thân, gia đình… hãy xác định đam mê lập trình là yêu thích nó ngay cả khi gặp khó khăn.

4. Lan tỏa năng lượng đến mọi người:

Chẳng ai muốn làm việc với một người sử dụng cạn kệt nguồn năng lượng trong họ, mặt xị như cái ống bơm cả. Hãy luôn giữ khuôn mặt tươi cười, tinh thần thoải mái.

Đường dài mới biết ngựa hay, việc lập trình không phải lúc nào cũng tràn đầy “cảm hứng”. Những lập trình viên giỏi là những người có thể theo đuổi dự án đến cùng, những sinh viên giỏi là những người biết phân bổ công việc, cảm xúc để học tập tốt.

Và nhớ: Đừng bao giờ phá hủy cạn kiệt nguồn năng lượng của mình, dù bạn làm nghề gì đi nữa.