Cứ mỗi khi báo đăng gương học sinh nào đó, cậu học trò chế tạo cánh tay robot, thì có một comment được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần: Các giáo sư tiến sĩ Việt Nam ở đâu?

Theo mình: Đừng có lôi giáo sư tiến sĩ ra ở đây. Đó là một sự so sánh quá kệch cỡm và thiếu hiểu biết.

Xin nói trước rằng, mình không phải là giáo sư tiến sĩ gì, mình cũng chỉ là dạng dân ngu cu đen mà thôi. Mình cũng hoàn toàn ủng hộ tinh thần sáng tạo, ham tìm hiểu của các bạn học sinh, sinh viên, đặc biệt là bạn chế tạo robot trong bài viết, đây là một điều rất đáng khuyến khích.

Cánh tay robot, vâng, đối với người ngoài ngành thì nó là cái gì đấy ghê gớm lắm. Ở chiều ngược lại, 100% thì tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ rằng trên 90% sinh viên ngành cơ điện tử có thể làm được cánh tay robot, ngon hơn, tốt hơn.

học sinh chế tạo cánh tay robot

Đến cả một thằng chả chuyên điện tử như tôi cũng còn làm được, dùng một cái board Arduino, Module cảm biến độ nghiêng SW520D, Module cảm biến góc xoay MCU-103, và vài con Servo SG90 với tí code lập trình có sẵn trên trang arduino.vn là làm được. Các chi tiết cơ học thì tôi thiết kế trên máy tính rồi in 3D ra đảm bảo đẹp hơn ống nước PVC của bạn trong bài viết nhiều. Đấy, đến tôi còn làm được thì các giáo sư tiến sĩ nó chỉ là phẩy ngon tay thôi.

Tôi là một người làm phần mềm, chính vì vậy tôi thấy rằng từ sản phẩm demo đến sản phẩm “bán được”, sử dụng được trong cuộc sống là một chặng đường dài, rất dài. Từ kiểm định chất lượng, sản xuất hàng loạt, giá thành, phân phối… trong đó có cả các bài toán đầu tư, kinh tế.

Rồi sản xuất ra ai mua? Ai dùng không? Dùng trong ở đâu? Bao giờ thì thu hồi lại được vốn? Hoặc đơn giản tôi chỉ hỏi một câu: Thế lỡ cái cánh tay robot kia nó quơ lên không trung làm chết người thì sao?

Không phải là các nhà khoa học họ không làm được, mà là họ thấy không cần làm mà thôi. Họ thấy rằng ai cũng đi chế tạo cánh tay thế kia thì đất nước sẽ nghèo đi một chút. Ngay cả tôi đây này, chế cánh tay robot tốn bao nhiêu tiền, mà có thành trò trống gì đâu. Các linh kiện điện tử mà tôi nói ở trên: Arduino, SW520D, MCU-103, SG90… Tất cả đều là từ giáo sư tiến sĩ mà ra đấy, chúng ta chỉ lấy chúng để lắp lại mà thôi.

Các giáo sư tiến sĩ, nhà khoa học Việt Nam đang ở đâu ấy hả

Đợt covid vừa rồi đi, sao chẳng thấy người dân hay em học sinh nào bào chế tạo vắc xin phòng covid nhỉ? Nhớ đợt đầu covid mới vào Việt Nam, thấy rộ lên phong trào ăn trứng với uống nước tỏi để chữa covid.

Hạt gạo mà chúng ta vẫn nấu cơm ăn rất bình thường thôi, nhưng mà nó là cả các công trình lai tạo của các nhà sinh học, vốn dĩ cây lúa không có đủ năng suất đảm bảo đủ lương thực cho con người, ngày xưa mỗi sào ruộng chỉ được 50 cân lúa, giờ là 4-5 tấn. Tất cả giống, quy trình, phân bón đều là nghiên cứu mà ra cả.

Một cái xe máy, tôi nhìn tổng quát chỉ là một cái xe máy, tôi mua về dùng, còn cấu tạo bên trong thì tôi cũng chịu. Hoặc tại sao, ai quy định giá cả của bó rau?

Nền kinh tế hoạt động thế nào? Vâng, những thứ to tát thế tôi chịu, dù tôi cũng có học một tí về kinh tế, và chịu khó xem ông Tuấn Tiền Tỉ nên cũng thấy phức tạp đau đầu bỏ mẹ, thôi bỏ qua. Việc đấy đã có những người chuyên biệt họ lo rồi.

Việt Nam mình chế tạo mấy cái vệ tinh Vinasat, tàu ngầm, rồi cả vệ tinh Rồng con (Nano Dragon) đấy. Mà tôi thì chỉ biết lắp chảo thu sóng Vinasat xem phim cô dâu 8 tuổi nét vãi các anh em ạ.

Nói chung là, các giáo sư tiến sĩ, nhà khoa học họ có nhiệm vụ riêng của họ, mỗi người một việc, tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình.